Khởi tố vụ án hình sự sau 9 lần vỡ ống nước sông Đà

Sau 9 lần vỡ đường ống nước sông Đà, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm của những người liên quan.

Liên quan đến trách nhiệm sự cố vỡ đường ống nước sông Đà liên tiếp thời gian qua, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46 - Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra. Theo đó, cơ quan này khởi tố vụ án về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Quyết định được đưa ra sau 9 lần vỡ đường ống nước sông Đà (kể từ tháng 12/2012 đến nay). Lần thứ 9 đường ống này bị vỡ vào lúc 4h sáng ngày 12/7 trên Đại lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Mỗi lần đường ống nước sông Đà gặp sự cố lại làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của khoảng 70.000 hộ dân Hà Nội.

Khởi tố vụ án hình sự sau 9 lần vỡ ống nước sông Đà - 1

Đường ống nước Sông Đà đã vỡ đến lần thứ 9 (kể từ tháng 12/2012 đến nay).

Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật Ánh sáng Công lý - Hà Nội) cho biết, tội "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Tội này được Bộ luật hình sự quy định rõ: Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Tuy nhiên các vi phạm này không thuộc trường hợp quy định tại tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông.

Nếu người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.

Tuy nhiên luật sư Kiên cho rằng, đây mới chỉ là quyết định bước đầu của cơ quan điều tra. Bởi liên quan đến lĩnh vực này, thường có rất nhiều loại tội có thể xảy ra như "tham ô tài sản", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "cố ý làm trái",...

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ làm rõ vai trò của từng cá nhân liên quan có dấu hiệu của các tội này hay không và có thể khởi tố bổ sung.

Theo luật sư Kiên, quyết định khởi tố được đưa ra sau 9 lần vỡ ống nước sông Đà là quyết định hơi muộn.

"Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Dù sao, quyết định khởi tố cũng khiến dư luận đỡ cảm thấy bức xúc." - Luật sư Kiên nói.

Đường ống nước sông Đà về Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Tổng Công ty CP Vinaconex làm chủ đầu tư. Tuyến ống được thi công từ tháng 1/2006 và đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 4/2009. Đây là một trong hai công trình mà Vinaconex được tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010.

Sau 9 lần vỡ đường ống nước sông Đà, UBND TP. Hà Nội vẫn đồng ý với đề nghị của Bộ Xây dựng để Tổng Công ty Vinaconex đầu tư xây dựng tuyến đường ống dẫn nước số 2.

Mới đây, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, trong kế hoạch thanh tra 6 tháng cuối năm của Thanh tra Chính phủ sẽ có nội dung thanh tra quá trình đầu tư dự án đường ống nước sông Đà của Vinaconex.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN