Đòn tra tấn dã man qua lời kể của tù binh ở đảo Phú Quốc

Chiến tranh Mỹ và Việt Nam đã lùi xa 39 năm, nhưng ký ức về những năm tháng trong lao tù vẫn in hằn trên thân thể ông như một minh chứng về sự tàn khốc của chiến tranh.

Ông Hoàng Văn Lược (SN 1942) là tù binh cuối cùng ở đảo Phú Quốc, được Mỹ trao trả vào năm 1973. Trong tù, ông Lược và những người đồng đội bị tra tấn rất dã man.

Từng có giấy báo tử…

Cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi tìm đến nhà ông Lược ở Thư Đôi, Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khi đến nơi, trước mắt chúng tôi là một căn nhà cấp bốn đã cũ kỹ, những lớp vôi ve nay đã ố ngả màu bởi thời gian, nhưng từ cổng vào đến trong nhà đều rất ngăn nắp. Trên chiếc phản phía trong nhà, ông Lược cùng vợ đang làm đồ vàng mã, những tệp giấy bản đã được nhuộn màu vàng, đỏ cũng được ông sắp xếp theo thứ tự rất gọn gàng.

Ông bảo: “Bây giờ già rồi, hai vợ chồng tôi làm thêm cái này để có đồng ra đồng vào”.

Đòn tra tấn dã man qua lời kể của tù binh ở đảo Phú Quốc - 1

Ông Hoàng Văn Lược - tù binh cuối cùng ở đảo Phú Quốc.

Cùng ngồi trò chuyện với chúng tôi, cháu của ông Lược là anh Hoàng Văn Thơ chia sẻ: "Ông có 4 người con nhưng ông không bao giờ phiền con cái. Tính ông vẫn như thời trong quân đội, rất nghiêm, nhưng tình cảm và ít khi nổi nóng...”.

Đưa đôi bàn tay héo gầy chậm chậm xoa quanh đôi mắt đã mờ đục vì tuổi tác, ông Lược kể: “Chiến tranh lùi xa lâu rồi, có những chi tiết tôi quên, một phần vì tuổi tác, một phần bị địch tra tấn dã man, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng. Tuy nhiên, những mốc quan trọng thì tôi không thể quên”. Trầm tư trong giây lát, ông hồi tưởng lại toàn bộ ký ức trong chiến tranh chống Mỹ mà ông và đồng đội đã trải qua, rồi ông kể liền mạch từng chi tiết, trừ ngày, còn tháng và năm ông nhớ rất rõ.

“Tháng 2/1964, tôi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và chiến đấu ở chiến trường miền Trung, thuộc D12, E54, F320 (Sư đoàn 3, Quân khu 1 hiện nay). Tại đơn vị này tôi đã được huấn luyện, sau đó về đại đội pháo binh 120 và từng tham gia nhiều trận đánh. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh từ trên trời máy bay Mỹ dội bom xuống, có những chiếc máy bay không thả bom mà chỉ thả những thứ khói trắng xóa. Lúc đó, anh em chiến sĩ không biết là chất gì, sau này tôi mới biết đó là chất độc da cam", ông Lược nhớ lại.

Ông kể tiếp, có những trận đánh, quân địch cho máy bay áp tải vừa thả bom vừa đưa quân lính xuống mặt đất để tấn công quân ta. Dưới mặt đất, quân ngụy không ngừng nã súng vào những vị trí mà chúng cho là có “Việt cộng” đang trú ẩn. Mặc dù nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng không một chiến sĩ nào chùn bước, không ai thấy sợ hãi, nói đúng hơn là không ai sợ chết. Tất cả anh em đều chung một lời thề vì tổ quốc thân yêu và thấm thía lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Không có gì quý hơn độc lập và tự do”.

Kể đến đây, ông Lược im lặng hồi lâu rồi nhớ lại: “Trận đánh năm 1968 còn tàn ác và khốc liệt vô cùng, nhiều chiến sĩ của ta đã hy sinh, thậm chí nhiều người không còn xác…

Tháng 7/1965, tôi cùng một số đồng đội được điều động vào Bình Định để tham gia chiến đấu. Năm 1968, Bình Định là nơi xảy ra những trận đánh khốc liệt, chỉ sau Quảng Trị, nơi mà nhiều người đã ví là 'cối xay thịt sống'.

Tại dốc An Toàn, An Lão, Bình Định, quân địch tấn công liên tiếp, tiểu đội của tôi hy sinh gần hết, tôi còn sống đến bây giờ là may mắn lắm rồi.

Chiến tranh mà, làm thế nào được, mặc dù nhiều người hy sinh, nhiều người bị giặc bắt, bị tra tấn dã man, nhưng không một ai khai ra tổ chức cũng như những thông tin quân sự bí mật của ta.

Chính vì nơi đây có trận chiến quá ác liệt, nhiều chiến sĩ hy sinh, anh em đơn vị cũng tưởng tôi đã hy sinh nên đã gửi giấy báo tử về cho gia đình tôi. Sau này khi đất nước hòa bình, tôi đã mang giấy báo tử trả lại ở địa chỉ số 3, Ông Ích Khiêm, Hà Nội”, ông Lược nói.

Đòn tra tấn dã man qua lời kể của tù binh ở đảo Phú Quốc - 2

Ảnh buổi gặp mặt của cựu tù binh ở đảo Phú Quốc.

Bị “nảy” 7 chiếc răng, nhưng quyết không khai

"Tháng 8/1969, tôi được cử đi tập huấn công binh, nhưng thật không may, trên đường đi tôi bị lính Mỹ phục kích. Chúng giật chân tôi ngã, 7 tên lính Mỹ lục soát toàn bộ người tôi và thu giữ tất cả giấy tờ, bản đồ và một quả lựu đạn. Sau khi bắt được tôi, chúng dùng khóa xích chân, tay rồi lấy dùi cui thi nhau đập lên đầu tôi cho tới khi tôi ngất đi", ông Lược nhớ lại.

Ông Lược cho biết, sau khi tỉnh lại, ông thấy lính Mỹ gọi một tên lính ngụy, cấp bậc trung úy, tên là Tân đến để làm thông ngôn (phiên dịch).

"Khi không khai thác được gì, chúng chở tôi đến sân bay Gò Hội ở Quảng Ngãi. Tại đây, cứ mỗi lần chúng tra hỏi mà tôi không trả lời hoặc trả lời nhưng không đúng với những gì chúng đang cần biết, động tác của chúng là “nảy” (lấy kìm vặn răng) từng cái răng của tôi. Tất cả chúng “nảy” 7 chiếc răng của tôi, mỗi lẫn như vậy tôi đều ngất đi, nhưng tôi không khai ra bất cứ điều gì liên quan tới tổ chức cũng như anh em đồng đội. Tôi nhớ, câu hỏi mà chúng hỏi tôi nhiều nhất đó là: Ai sẽ lên thay khi cụ Hồ Chí Minh qua đời?”, ông Lược kể.

Sau đó, ông Lược bị đưa lên máy bay và chở ra đảo Phú Quốc. Tại đây, lính Mỹ dùng nhiều đòn tâm lý và tra tấn tù binh dã man, nhưng ông Lược không mắc mưu của chúng và luôn đấu tranh. Thậm chí, ông cùng đồng đội vẫn sinh hoạt Đảng, gây dựng tổ chức trong nhà tù.

Chi tiết đặc biệt mà ông Lược kể cho tôi nghe là tại nhà tù ở đảo Phú Quốc lúc đó có cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. "Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đó cũng chịu cảnh tù đầy cùng tôi", vừa nói, ông Lược vừa đưa cho tôi xem bức ảnh ông cùng đồng đội năm xưa chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Liễu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN